Melde dich an, um fortzufahren.
Melde dich an, um fortzufahren.
Đạo Hồi (Islam) bắt đầu được Muhammad truyền bá ở bán đảo Ả Rập vào đầu thế kỷ thứ 7. Những người theo đạo Hồi thờ Đấng tối cao Allah và xem Muhammad như là vị thiên sứ cuối cùng và toàn năng nhất, được nhận mặc khải của thượng đế để truyền lại cho con người. Ngoài việc là một biểu tượng tôn giáo thì Muhammad còn là một nhà chính trị - quân sự và là người đứng đầu nhà nước Hồi giáo mới thành lập. Chính sự ra đời của Hồi giáo là hạt nhân trong việc thống nhất bán đảo Ả Rập vốn đang bị chia cắt. Khi Muhammad qua đời (năm 632), về cơ bản là toàn bộ bán đảo Ả Rập đã được thống nhất và Hồi giáo hóa.
Sự bành trướng của các thế lực Hồi giáo
Từ thế kỷ thứ 7 trở đi, lịch sử của châu Âu đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ sự trỗi dậy của Hồi giáo. Dưới thời vị Caliph thứ hai là Umar, các tin đồ Hồi giáo đã hoàn tất việc chinh phục Syria, Mesopotamia, Palestine, Ai Cập, một phần Tiểu Á và Bắc Phi. Đến các Caliph đời sau thì thế lực của Hồi giáo đã vươn tới thêm nhiều lãnh địa khác ở Bắc Phi, bán đảo Iberia, đảo Síp, đảo Malta, đảo Crete, đảo Sicily và một phần phía nam Italy.
Ở phía Đông, những cuộc chinh phục của Hồi giáo đã đưa tới sự sụp đổ hoàn toàn của Đế chế Sassanid, còn Đế chế Byzantine thì mất đi một diện tích lớn lãnh thổ. Ở phía Tây, cuộc chinh phục của Hồi giáo vào Hispania bắt đầu từ năm 711 khi những người Moor (chủ yếu gồm bộ tộc Berber đã cải đạo và một số người Ả Rập) xâm lược vương quốc Visigoth. Họ cập bến ở Gibraltar vào ngày 30 tháng 4 và tiến dần lên phía Bắc. Chỉ trong vòng 8 năm, gần như toàn bộ đất đai trên bán đảo Iberia đã rơi vào tay người Hồi giáo, trừ một vùng nhỏ ở Tây Bắc (Asturias) và phần lớn xứ Basque. Vùng lãnh thổ mới chiếm đóng được người Ả Rập gọi là Al-Andalus và trở thành một phần trong Đế chế Umayyad.
Đà tiến của người Hồi giáo chỉ bị chặn lại khi họ thất bại trong cuộc vây hãm Constantinople vào năm 717 và bị đánh bại bởi người Frank do Charles Martel chỉ huy trong trận Poitiers nổi tiếng vào năm 732. Vương triều Abbasid sau đó lật đổ vương triều Umayyads vào năm 750 và tàn sát gần như toàn bộ dòng Umayyads. Thế nhưng một vị hoàng tử Umayyad là Abd-ar-rahman I đã trốn thoát được tới Tây Ban Nha và thiết lập vương quốc Cordoba tại đây. Người Frank dưới thời các hậu duệ của Charles Martel đã đánh chiếm lại một số vùng đất từ tay người Hồi giáo, nhưng nói chung là các thế lực Hồi giáo ở bán đảo Iberia vẫn còn được duy trì cho đến hàng thế kỷ sau.
Giai đoạn đầu Trung Cổ (tiếng Anh: Early Middle Ages) là một thời kỳ lịch sử của châu Âu kéo dài từ thế kỷ thứ 5 tới khoảng năm 1000. Trước nó là thời kỳ suy tàn của Đế chế La Mã và tiếp sau nó là giai đoạn giữa Trung Cổ (khoảng năm 1000-1300). Giai đoạn đầu Trung Cổ chứng kiến sự tiếp tục của những khuynh hướng bắt đầu từ thời Hậu Cổ đại, bao gồm sự sụt giảm về dân số, đặc biệt ở các thành thị, sự bế tắc trong quan hệ mậu dịch, cùng với những cuộc di cư của man tộc. Các nhà sử học gọi giai đoạn này là "Thời kỳ tăm tối" vì những đóng góp ít ỏi của nó về mặt văn hóa và giáo dục, đặc biệt ở Tây Âu. Mặc dù vậy, Đế chế Đông La Mã vẫn tiếp tục tồn tại và giữ lại những tinh hoa của Hy Lạp - La Mã để trở thành Đế chế Byzantine. Một điểm đáng lưu ý nữa là việc những thế lực Hồi giáo tiến vào châu Âu trong thế kỷ thứ 7.
Trận Poitiers qua bức họa "Bataille de Poitiers en Octobre 732" của Charles de Steuben
Những khuynh hướng nêu trên sau đó được đảo ngược lại. Vào năm 800, danh hiệu Hoàng đế La Mã được phục hồi bởi Charlemagne, và vương triều Carolingian của ông đã giúp tái sinh nền văn hóa - giáo dục ở Tây Âu. Về mặt sản xuất, châu Âu quay trở lại với một nền nông nghiệp có hệ thống dưới hình thức chế độ phong kiến. Các cuộc di cư của man tộc cũng được bình ổn lại, mặc dù người Viking vẫn liên tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở phương Bắc.
Tượng miêu tả cảnh vua Clovis rửa tội.
Lúc khởi đầu, Kitô giáo là một tôn giáo thống nhất. Nhưng rồi vào giai đoạn đầu Trung cổ, sự tách ly giữa Kitô giáo ở phía Đông và phía Tây châu Âu dần dần ngày càng được mở rộng ra. Ở phía Tây, địa vị của Tổng giám mục thành Rome ngày càng cao và sau này họ xưng là Giáo hoàng. Giáo hội ở Rome được xem như một tổ chức chính trị đặc biệt và có tiếng nói quyết định trong nhiều sự kiện ở Tây Âu. Ở phía Đông, Tổng giám mục thành Constantinople là người đứng đầu giáo hội, nhưng khác với Tây Âu là vẫn phải chịu sự chỉ huy của hoàng đế Byzantine.
Đến thế kỷ 11, hai bên mâu thuẫn gay gắt và cuối cùng đi đến việc khai trừ giáo tịch lẫn nhau. Đó gọi là cuộc Đại ly giáo Đông Tây. Từ đó ở phương Tây gọi là giáo hội Công giáo Rôma, còn ở phương Đông là giáo hội Chính thống theo Chính thống giáo Đông phương. Mặc dù không thật sự khác nhau nhiều lắm về niềm tin, nghi thức, v.v... nhưng hai giáo hội này hoàn toàn độc lập với nhau. Ngoài ra còn có đạo Thiên chúa Celtic ở đảo Anh là một nhánh độc lập với hai giáo hội trên.
Ở Tây Âu, nhà thờ Thiên chúa giáo là tổ chức duy nhất từ thời La Mã hầu như không bị người man tộc xâm phạm sau sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã. Chính vì vậy mà chỉ ở những cơ sở tôn giáo này mới còn giữ lại được các thành tựu của nền văn hóa cổ đại. Giai đoạn đầu Trung cổ chứng kiến sự cải đạo mạnh mẽ của các man tộc, như đã đề cập rải rác ở các phần trên. Khi bắt đầu giai đoạn giữa Trung cổ thì chỉ còn bán đảo Scandinavia, vùng Baltic, và một số vùng Finno-Ugric là chưa được cải đạo.
Lãnh thổ của Đế chế La Mã thần thánh dưới thời Otto I, bao gồm Đức, Bắc Italy, Áo và Hà Lan ngày nay.
Sự cai trị yếu đuối của hoàng đế Charles Béo thuộc vương triều Carolingian đã dẫn đến một cuộc nổi loạn của người cháu là Arnulf của Carinthia, cuối cùng đưa đến việc Đế chế Frank bị chia thành các vương quốc ở Pháp, Đức và Bắc Italy (887). Lợi dụng tình thế này, người Hungary xua quân cướp phá nhiều nơi. Những nhà quý tộc ở Đức sau đó suy tôn công tước của Saxony là Henry Người bắn chim lên làm vua tại Fritzlar năm 919. Thực ra thì quyền lực của Henry cũng chỉ lớn hơn các công tước kia một chút (điều này thể hiện nét đặc trưng của chế độ phong kiến ở châu Âu).
Con trai của Henry là Otto I (còn gọi là Otto Đại đế, ở ngôi từ 936-973) đã đánh bại một cuộc nổi loạn của các công tước được sự hậu thuẫn của vua Pháp, Louis IV, vào năm 939. Vào năm 951, Otto tiến vào Italy, lấy Nữ hoàng Adelaide rồi tự xưng là vua của những người Lombard, và nhận được sự tôn kính từ vua Italy lúc đó là Berengar của Ivrea. Ở phía đông, Otto đánh thắng người Hungary trong trận Lechfeld (955). Trận chiến này có ý nghĩa to lớn vì nó đã ngăn chặn bước tiến của người Hungary ở Tây Âu và buộc họ phải quay về sống trong lãnh thổ của mình. Khi thanh thế đã lên cao, Otto tiến vào Italy một lần nữa và được gia miện thành hoàng đế La Mã (imperator augustus) bởi giáo hoàng John XII.
Các sử gia xem sự kiện này là mốc ra đời của Đế chế La Mã thần thánh, mặc dù từ này phải rất lâu sau đó mới được dùng. Otto là vị hoàng đế đầu tiên trên vùng đất sau này trở thành Đế chế La Mã thần thánh mà không phải thuộc triều Carolingian. Nhà nước của Otto cũng được xem như Đế chế Đức đầu tiên. Otto cùng những vị Hoàng đế của Đế chế La Mã thần thánh đời sau tự xem mình như là dòng dõi hoàng đế hậu duệ của Charlemagne (mặc dù một số "hoàng đế" thực ra là những kẻ quyền lực người Italy đã ép buộc Giáo hoàng gia miện cho mình). Otto sau đó phế truất luôn Giáo hoàng John VII vì thông đồng với Berengar để chống lại ông, và lập nên Giáo hoàng Leo VIII. John phục hồi được ngôi vị, nhưng mất không lâu sau đó. Bên cạnh việc lập ra Đế chế Đức thì Otto còn tạo ra "hệ thống nhà thờ kiểu Otto", trong đó giới tăng lữ sẽ là một phần trong bộ máy chính quyền. Ông cũng tìm cách nâng cao tầm vóc và giá trị của chức Giáo hoàng lên để có thể gánh vác trách nhiệm lãnh đạo một nhà thờ quốc tế.
Vào năm 1000, châu Âu vẫn còn là một thứ gì đó rất nhỏ bé nếu so với thế giới Hồi giáo hoặc nước Trung Quốc dưới đời nhà Tống. Constantinople có 300.000 dân, nhưng Rome chỉ có 35.000 và Paris là 20.000. Trái ngược lại, những người Hồi giáo sở hữu thành phố đông dân nhất thế giới thời bấy giờ là Cordoba ở Tây Ban Nha với 450.000 người, cùng một loạt những đô thành lớn trải dài từ bán đảo Iberia đến Trung Á. Người Viking có một mạng lưới buôn bán ở Bắc Âu, bao gồm một tuyến đường từ vùng Baltic đi xuyên qua Nga để tới Constantinople. Thế nhưng nó vẫn còn khá khiêm tốn nếu so với những tuyến đường thương mại nối liền các thành phố lớn của Hồi giáo như Cordoba, Alexandria, Cairo, Baghdad, Basra, và Mecca.
Ở Anh, những cuộc xâm lăng của Viking đã làm kiệt quệ nước này. Trên bán đảo Scandinavia thì đang diễn ra quá trình cải đạo dần dần và sự thành lập các vương quốc Na Uy, Đan Mạch và Thụy Điển. Ở Đông Âu thì có Byzantine là quốc gia có trình độ phát triển cao nhất, Kievan Rus là quốc gia có diện tích lớn nhất châu Âu, ngoài ra còn hai cường quốc nữa là Bulgaria và Hungary. Ở Tây Âu thì Đế chế La Mã thần thánh là nước lớn nhất, ngoài ra có các nước Pháp, Leon (một vương quốc Thiên chúa giáo ở Tây Ban Nha), Burgundy, v.v...
Ở miền Bắc của Italy, nơi mà ngành thợ nề chưa bao giờ mất đi, đá đã thay thế gỗ trong những công trình kiến trúc quan trọng. Sự khẩn hoang trên lục địa cũng đang diễn ra từng ngày. Thế kỷ 10 còn đánh dấu sự quay trở lại của cuộc sống thành thị; những thành phố ở Italy đã tăng gấp đôi dân số trong giai đoạn này. London, từng bị bỏ rơi hàng thế kỷ, một lần nữa lại trở thành trung tâm kinh tế của Anh từ năm 1000. Cũng từ năm 1000, Bruges và Ghent nối lại việc buôn bán với bên ngoài, một phần nào đó thể hiện sự phục hồi của nền kinh tế ở Tây Âu.
Năm 1000, địa vị Giáo hoàng đang bị Hoàng đế Otto III của Đức kiểm soát (hay "hoàng đế của thế giới" như ông ta tự xưng). Mặc dù vậy, những cải cách sau đó của nhà thờ đã làm gia tăng sự độc lập và vị thế của họ. Trong văn hóa châu Âu đã diễn ra nhiều nét chính ngay sau năm 1000 để đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn đầu Trung cổ: sự xuất hiện của các công xã Trung cổ, sự tái sinh của đời sống thành thị và sự hiện diện của tầng lớp dân tỉnh, sự thành lập các trường đại học, sự quay trở lại của các luật lệ La Mã và sự bắt đầu của văn học bản xứ.